TRAN XUAN AN - PHAN HOI 2 / feedback 2 ( trang phu 2 )

14.1.06

PHO SỬ BIÊN NIÊN SINH ĐỘNG CỦA LÀNG & NƯỚC

NGÔI ĐÌNH LÀNG, PHO SỬ BIÊN NIÊN SINH ĐỘNG CỦA LÀNG & NƯỚC

Ý kiến thảo luận
của Trần Xuân An
nhân đọc bài
Ðình làng Việt Nam
của Nguyễn Bá Lăng
(Vietnam Review phổ biến 14.09.2005)

Vietnam Review
Chuyên mục Văn hóa - Truyền thống
Site được cập nhật vào: 2006-01-13 & 12, lúc 18:06:14 ...
http://www.vietnamreview.com/modules.php?name=News&file=article&sid=1875



1.

Re: Ðình Làng Việt Nam
2006-01-13 08:34:28
TRẦN XUÂN AN
trong tập thơ "Tôi vẫn ở trên đường", link:
http://tranxuananthitap3.blogspot.com/


MẶC NIỆM

trong tôi có một miền quê
đôi khi buồn quá tôi về trong tôi

bao nhiêu vỡ nát rối bời
thiêng liêng quốc tuý vẫn ngôi đình làng
nến lung linh khói trầm nhang
nghe lòng ấm lại bốn ngàn năm xưa

đất trời buốt bỏng nắng mưa
trái tim thanh lọc nhịp mùa nguyên sơ

chiêng rung trống vọng bóng cờ
trăm con chim lạc giọng hò trăm nơi
mẹ Tiên yêu núi biếc ngời
cùng cha Rồng hát chung lời sóng vang

Đông – Tây
khúc xạ
hoà tan
tan vào vũ trụ mênh mang mãi còn

mở trương ẩn giữa làng thôn
sớ dâng, kẻ sĩ nhớ ơn người thầy
và ai thấu nỗi đắng cay
giả lười, sách thuốc đọng đầy tình dân (*)

bâng khuâng…
xa khuất, suối ngân
lắng trong heo hút tiếng chân không mòn

quên thù cha vì nước non
vung gươm, truyền hịch, vạn hồn bừng nghe
và ai thắp lửa hội thề
án oan tưới máu … (*)
bia đề, rưng rưng…

thây phơi, đàn nhị nghẹn chùng
vô danh câu hát, mung lung hương đồng

sân đình lặng nhớ cha ông
thuở nào mở đất dắt bồng cháu con
hoang vu chí ngợp vai sờn
ngoảnh về cố quận hoàng hôn cháy lòng

nao nao diệu vợi pháo hồng
bồi hồi trăng ngát đèn lồng lễ vui

ngấm bao chát xót ngọt bùi
ngàn xưa reo múa ngậm ngùi ngàn xưa
mương kênh rửa mặn thau chua
ngàn sau điện sáng trĩu mùa ngàn sau

còn đây tóc chỏm khoe màu
áo dài khăn đóng bạc đầu ô đen

vẫn còn đây làm sao quên
ước mơ nẩy lộc đẹp thêm một thời
gốc bàng cổ thụ khô rồi
bây giờ sống lại cho đời, vạn năm

trong tôi, khuya một, đêm rằm
ngát xưa hương toả hướng tâm về nguồn

bao ngôi đình quá thân thương
nơi tôi tìm đến dọc đường xa quê
trái tim gọi thức cơn mê…
hồn thiêng Đất nước lắng nghe chút lòng…


21. IV – 20. V. 1993

________________________

Cước chú của bài “Mặc niệm” :
(*) Chu Văn An, Lê Hữu Trác, Trần Hưng Đạo và Nguyễn Trãi, bốn danh nhân dân tộc được nhân dân thờ kính, trải qua nhiều thời đại với nhiều quan điểm, góc độ đánh giá khác nhau. Tất nhiên, cũng cần phải ghi nhận hạn chế của Trần Hưng Đạo và nhà Trần. Về trường hợp Nguyễn Trãi, lúc sinh thời vào những năm cuối đời và khoảng 20 năm sau khi ông bị án tru di tam tộc (1442 – 1464), Nguyễn Trãi còn bị nhiều sự gièm pha, vu khống của bọn gian thần. Ở đây, chỉ để hướng chân tâm, “thực nghiệm tâm linh” , gồm cả việc mài sắc ý thức phê phán mặt hạn chế của danh nhân một cách tỉnh táo.
(Chú thích năm 1993 & bổ sung vào ngày 08. 03. 2005).
TXA.

Xin xem thêm: Tiểu thuyết "MÙA HÈ BÊN SÔNG" (Trần Xuân An). Trong đó, có một khía cạnh lớn của chủ đề tư tưởng: Cái đình - tín ngưỡng, tâm linh dân tộc Việt Nam. "MÙA HÈ BÊN SÔNG" đã được đăng tải trên Tạp chí điện tử Giao Điểm (Cali., USA.), số tháng 6-2005; link:
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/605_index.htm


2.

Re: Ðình Làng Việt-Nam

2006-01-13 20:12:03


Đình làng là một vấn đề lớn và đặc sắc, sâu thẳm nhất trong nền văn hóa dân tộc nhất thống Việt Nam.
Qua những cuốn tiểu thuyết của mình, tôi đã để cho nhiều nhân vật suy tư về bản chất của ngôi đình làng Việt Nam, trong chiều hướng bảo tồn, phát huy, phát triển và cách tân một trong những giá trị tiểu biểu nhất của bản sắc văn hóa Việt Nam. Ngôi đình được đề cập đến (từ bài thơ “Mặc niệm”) không phải là một ngôi đình cụ thể. Đó là ngôi đình trong trí tưởng, tâm thức – ngôi đình của hoài vọng nghìn xưa, ước vọng nghìn sau và của cả nhận thức khoa học lẫn nhu cầu tâm linh.

“…
Bản sắc văn hóa có phải là sản phẩm của quá trình cách bức dài lâu về địa bàn cư trú, thiếu phương tiện giao thông, viễn thông để trao đổi trong giao lưu? Nhân tộc, dân tộc cũng là sự khu biệt hóa do sự cách bức địa dư đó? Nhân tộc, dân tộc và bản sắc văn hóa cùng song song hình thành như xác với hồn theo sự chia biệt địa bàn sinh sống và quốc gia?
Bản sắc văn hóa nào có tính hợp lí, tính phổ quát nhất? Các hình thái chính trị phủ định nhau, thay thế nhau, sao tôn giáo vẫn bền vững? Đến bao giờ khoa học thực nghiệm và lí tưởng nhân văn mới sẽ soi sáng mọi ngõ ngách của tâm thức con người? Tôn giáo có tính bản địa rất nặng, rất đậm, sao lan truyền khắp thế giới? Cái giáo đường, cái chùa, cái đình, cái nào mang tính phổ quát nhất?
Anh Cơ Dân thấy Tre Trúc nói rất đúng, cái đình nhân loại nhất, phổ quát nhất nhưng cũng nhân tộc, dân tộc nhất. Đó là biểu hiện cụ thể, tập trung của Đạo Hiếu Nghĩa, thờ cúng tổ tiên, những người có công, sức mạnh nhân dân, nhân loại, trời đất. Tre Trúc thử giả định có cái đình ở Nga, ở Mỹ. Người Nga sẽ thờ cúng tổ tiên họ, sức mạnh nhân dân họ, danh nhân của họ cùng nhân loại, trời đất. Người Mỹ cũng thế, cũng thờ cúng tổ tiên lập quốc, danh nhân của họ và nhân loại, đất trời. Người Mỹ chắc chắn không thể không ghi công, nhớ ơn sức mạnh làm nên lịch sử nước Mỹ của nhân dân Mỹ – lịch sử được nhìn nhận ở chiều sâu, chứ không phải ở các sự kiện nhất thời do các tập đoàn cầm quyền gây ra. Người nước nào cũng hiếu nghĩa với dân tộc họ, với nhân loại, với hành tinh trái đất và cả vũ trụ.
Khẳng định cái đình là phủ định cái giáo đường, cái chùa (đặc Do Thái và đặc Ấn!)? Đâu dám vậy! Mỗi người có trí tuệ để chọn lựa riêng!
Anh Cơ Dân chợt bồi hồi xúc động. Bất giác, hơn lúc nào hết, anh thấy rõ đáp số cho vấn nạn tâm linh, dân tộc, nhân loại. Nhân loại hóa và dân tộc hóa. Nhất thể hóa và bản sắc hóa. Anh nhủ thầm, đúng vậy, đáp số đã ở trong anh từ bao giờ, nhưng đến lúc này, trở nên sáng tỏ, rành mạch như một thức ngộ lạ lùng, mầu nhiệm. Cái mầu nhiệm của đời, của tâm tư con người, sau rất nhiều băn khoăn, suy tư, trăn trở, học hỏi, nghiền ngẫm, chợt lóe sáng!
…”. (*)


Và tôi tự hỏi, nên chăng, những người Việt Nam xa xứ, sống trên đất khách quê người, phải có những địa điểm chung, thuộc về cộng đồng Việt, để thắt chặt tình đồng bào ruột thịt, hướng về Tổ quốc, và để đóng góp, phát huy văn hóa Việt Nam vào văn hóa thế giới. Ngôi đình làng Việt Nam trên đất Mỹ, Pháp, Na Uy, Canada… là ước vọng Việt Nam nhất! Tôn giáo và ý thức hệ chính trị có mặt tiêu cực đáng sợ là gây ra sự chia rẽ và chia lìa dân tộc. Ngôi đình làng Việt Nam với triết học (không chỉ là triết lí) của Việt Nam mới là nơi gắn bó giữa người Việt với người Việt (cho dù sắc tộc nào) và đoàn kết dân tộc Việt Nam với nhân loại.

… Ở đây, tôi chưa nói đến mặt tích cực của Phật giáo Việt Nam …

_______________________

(*) Trích: Trần Xuân An, “SEN ĐỎ, BÀI THƠ HÒA BÌNH”, tiết 28 (phần II, web), Nxb. Thanh Niên, 2003, tr. 183 – 184; link:
http://tranxuanansendobthhbinh.blogspot.com/


__________________________________
__________________________________



VIETNAMREVIEW
2006-01-14 20:14:27
TRAN XUAN AN ( Trần Xuân An )
Re: Ðình làng Việt Nam


Thật lòng tôi không muốn lạm dụng mục thảo luận này, nhưng lương tâm sẽ không yên ổn khi khẳng định rằng, đình làng Việt Nam là một giá trị văn hóa đậm đà bản sắc dân tôc nhất, mà không phê phán những khía cạnh tiêu cực, thậm chí là phản văn hóa nhất, phản dân tộc nhất, thể hiện ở một số đình làng của những thôn xã nào đó. Ai cũng biết, một số làng thôn ấy, hoặc là binh lính xâm lược Hán - Hoa đồn trú rồi định cư hẳn, những tội nhân Hán - Hoa bị đày ải sang nước ta làm lưu dân, khai canh lập ấp, trong chiến lược đồng hóa dân tộc của các triều đại phong kiến Trung Hoa thực dân cổ đại, hoặc do sự lầm lạc của một vài bộ phận nhân dân Việt, cho nên, có những đình làng thờ giặc xâm lược làm thành hoàng, như thờ Triệu Đà chẳng hạn.

Xin xem thêm:
“SUY NGHĨ VỀ MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG LỊCH SỬ CỔ ĐẠI NƯỚC TA”, khảo luận, 7.2004.
http://www.giaodiem.com tháng 9-2005
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05/905_index.htm
Link bài viết về tên giặc xâm lược Triệu Đà:
http://www.giaodiem.com/mluc/mluc_III05
/905_txa_hisIIa.htm


Tôi không có ý định phê bình từng chi tiết cũng như tổng thể bài viết của Nguyễn Bá Lăng (*). Tôi chỉ bày tỏ cảm nghĩ của mình về hệ thống đình làng Việt Nam nói chung trong chiều hướng bảo tồn, phát triển, phát huy và cách tân. Sự cách tân nào cũng bao hàm ý thức "gạn đục khơi trong". Con sông, dòng suối, giếng nước nào, trong trẻo và ngọt lành đến đâu, cũng không thể tuyệt đối không có, không còn bụi bẩn, rác rến (**).

Đình làng Việt Nam (thuần Việt) và chùa làng Phật giáo Việt Nam (Việt hóa, và mỗi ngày mỗi Việt hóa) là hai thành tố chủ yếu, cốt tuỷ nhất của cơ cấu văn hóa Việt Nam, từ nghìn xưa cho đến nghìn sau. Nói như vậy, tôi không có ý định phủ nhận một điều tôi luôn luôn khẳng định: Hệ thống đình làng nói chung (loại trừ trường hợp cá biệt, thờ giặc xâm lược làm thành hoàng!!!) là thể hiện tập trung nhất tín ngưỡng - tâm linh - lịch sử Việt Nam, do đó, Việt Nam nhất.
Khẳng định một lần nữa: Bên cạnh hệ thống đình làng luôn luôn tồn tại song song hệ thống chùa làng Phật giáo Việt Nam ngày càng Việt hóa, để trở thành một tổng thể văn hóa thế tục - siêu linh trên nền tảng chủ nghĩa nhân văn - lịch sử Việt Nam.

Việt Nam, TP.HCM.,
thứ bảy (chủ nhật cũ), 15-01 HB6 (2006)

TXA.
______________________________

(*) Kết cấu bài viết của Nguyễn Bá Lăng thiếu sự cân đối, nặng về việc khảo cứu đình làng Bắc bộ, xem nhẹ mảng Trung bộ và Nam bộ. Bài viết cũng chỉ mới khảo sát về hình thức, chưa đi sâu vào bản chất của hệ thống đình làng Việt Nam. Tôi xin mạn phép tác giả Nguyễn Bá Lăng để được bổ cứu qua những ý kiến rời và nhỏ như đã viết. Kính mong tác giả Nguyễn Bá Lăng không lấy thế làm điều.
(**) Nhận thức về nhân vật lịch sử cổ đại còn có những hạn chế như thế, nữa là nhân vật lịch sử cận - hiện đại, 1858 - 1975!

Lưu ý: Tôi bổ sung vào tập thông tin (file) này ý kiến trên đây, không sửa chữa phần phía trên ([như đã thưa trước: nếu có sai sót, sẽ đính chính, bổ cứu] để tiện cho người đọc, nghiên cứu, khỏi đọc lại), và đã ngăn cách hai phần bằng hai gạch ngang song song. Sở dĩ phải như thế là để tiết kiệm "đất" - blog của BLOGGER.